Cách nhận diện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Quản lý thị trường tại một số lĩnh vực
Bài 1: Cùng nhìn lại những chuyến hàng xưa
Bài 2: Quản lý thị trường, những bước chân truy vết
Bài 3: Những bước chuyển mình lên ngành dọc
Bài 4: Tự sự “những nút thắt tưởng chừng không tháo gỡ”
“Nghiên cứu học” cho công chức Quản lý thị trường mới vào ngành
Như chúng ta biết, lực lượng QLTT là một lực lượng có vị trí, chức năng hết sức quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta “là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Để thực hiện được những chức năng nói trên, lực lượng QLTT được Quốc Hội, Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ, quyền hạn như:
- Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi kiểm tra theo quy định(Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên thị trường. Trong quá trình kiểm tra hàng hóa, nếu phát hiện có vi phạm thì được quyền thực hiện kiểm tra cơ sở sản xuất hàng hóa, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Kiểm tra cơ sở sản xuất đối với lĩnh vực, ngành hàng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực khác được Chính phủ giao thẩm quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính).
- Thanh tra chuyên ngành.
- Xử lý vi phạm hành chính.
- Thu thập tài liệu, chứng cứ, lấy mẫu sản phẩm hàng hóa, tang vật, phương tiện có dấu hiệu vi phạm, trưng cầu giám định, kiểm nghiệm mẫu vật là hàng hóa, tài liệu, giấy tờ, vật chứng liên quan đến vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân.
- Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phục vụ hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính.
- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật với các tổ chức, cá nhân.
- Tổ chức thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý địa bàn, kết quả kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính và cơ sở dữ liệu khác phục vụ hoạt động của lực lượng QLTT; tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng QLTT với cấp có thẩm quyền; đề xuất, kiến nghị ban hành, sửa đổi các quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính.
- Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện các nội dung quản lý nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh QLTT.
Với những vị trí, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn nói trên thì rõ ràng lực lượng QLTT đã và đang được Đảng, Nhà nước đặt niềm tin, kỳ vọng rất lớn. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng là thách thức lớn đối với lực lượng QLTT trong bối cảnh hiện nay. Do vậy hiện nay, lực lượng QLTT được Chính phủ quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại rất nhiều lĩnh vực, bên cạnh những thuận lợi nhất định thì điều này mang lại những thách thức, nỗi lo không hề nhỏ khi hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập, chồng chéo, lỗ hổng; vẫn còn đó những “miếng bánh” chưa ai quản lý nhưng ở đằng kia “bữa ăn” lại có quá nhiều người cùng quản lý. Điều này khiến cho câu chuyện quản lý càng trở nên phức tạp khi quả bóng “trách nhiệm” cứ được đá qua, đá lại rồi thì “người chủ động, trách nhiệm” cũng chẳng dám làm vì sợ sai, vì sự không rõ ràng trong pháp lý.
Hiện nay, theo Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì lực lượng QLTT được quy định thẩm quyền xử phạt tại Điều 45 của Luật và hàng chục Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực. Tuy nhiên tại một số lĩnh vực thì câu chuyện lực lượng QLTT có được xử phạt các đối tượng vi phạm hay không lại là một điều đáng để trao đổi, thảo luận, mặc dù nghị định vẫn có quy định điều khoản thuộc thẩm quyền cho lực lượng QLTT. Trong khuôn khổ bài viết này, mình xin phép được đơn cử một số nghị định xử phạt để chúng ta dễ hình dung:
Thứ nhất, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây có lẽ là văn bản “gối đầu giường” của ACE lực lượng QLTT bởi lẽ đây là nghị định sát sườn, chúng ta hay sử dụng và có nhiều hành vi vi phạm thường gặp nhất. Nghị định này quy định thẩm quyền của lực lượng QLTT tại Điều 82 (trên cơ sở Điều 45 của Luật xử lý). Tuy nhiên chúng ta cần quan tâm đến Điều 88 của nghị định này. Đó là “Phân định thẩm quyền xử phạt”.
Khoản 2 Điều 88 Nghị định quy định như sau: “Những người có thẩm quyền của Quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 82 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao”.
Vậy với Nghị định này thì các bạn cần quan tâm cho mình các chữ sau nhé: “chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn”. Chúng ta cùng tìm hiểu thêm một vài nghị định nữa nhé.
Thứ hai, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ.
Đây có lẽ cũng là văn bản “gối đầu giường” của ACE lực lượng QLTT bởi lẽ đây là nghị định chúng ta hay sử dụng để phạt các vi phạm về niêm yết giá. Nghị định này quy định thẩm quyền của lực lượng QLTT tại Điều 42.
Khoản 5 Điều 42 Nghị định quy định như sau: “Người có thẩm quyền của cơ quan quản lý thị trường quy định tại Điều 45 Luật xử lý vi phạm hành chính có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều 5, Điều 8, Điều 10, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 16 và Điều 17 Nghị định này có quyền áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thuộc địa bàn quản lý của mình”.
Vậy với Nghị định này thì các bạn cần quan tâm cho mình các chữ sau nhé: “thuộc địa bàn quản lý”. Chúng ta cùng tìm hiểu thêm một nghị định nữa nhé.
Thứ ba, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ. Nghị định này quy định thẩm quyền của lực lượng QLTT tại Điều 34 (trên cơ sở Điều 45 của Luật xử lý). Tuy nhiên chúng ta cần quan tâm đến Điều 35 của nghị định này. Đó là “Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm”.
Khoản 6 Điều 35 Nghị định quy định như sau: “Người có thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trường quy định tại Điều 34 Nghị định này có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24, Điều 25, Điều 26 của Nghị định này thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương về an toàn thực phẩm và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.”
Vậy với Nghị định này thì các bạn cần quan tâm cho mình các chữ sau nhé: “phạm vi quản lý của Bộ Công Thương về an toàn thực phẩm và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn”.
Như vậy, sau khi đọc 03 nghị định xử phạt nói trên, chúng ta thấy được câu chuyện “Phân định thẩm quyền” ở đây được Chính phủ quy định có sự khác biệt trong các lĩnh vực, với xuất phát điểm là Điều 45 Luật xử lý thì Chính phủ còn quy định thêm một số nội dung ràng buộc theo lĩnh vực như: “chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn” hoặc “thuộc địa bàn quản lý” hoặc “phạm vi quản lý của Bộ Công Thương về an toàn thực phẩm và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn” và có thể còn một số cách quy định khác.
Vậy để nhận diện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Quản lý thị trường thì rõ ràng chúng ta cần phải hết sức quan tâm, lưu ý những điều, khoản quy định về “Phân định thẩm quyền” tại các nghị định (thường nằm gần cuối mỗi nghị định) để chúng ta biết được lĩnh vực đó QLTT chúng ta có thể xử phạt ở những hành vi, đối tượng cụ thể nào. Lời giải cho 03 tình huống ở trên thì cũng tương đối rõ ràng phải không nào.
Nếu chỉ là “chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn” thì các bạn đọc lại ngay Pháp lệnh Quản lý thị trường (những nội dung mình đã nêu ở phần đầu của bài viết này), Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục để tìm cho mình thẩm quyền và đối tượng xử phạt chính xác nhé.
Còn nếu là “thuộc địa bàn quản lý” thì tương đối rõ rồi nhỉ, chúng ta căn cứ vào Quyết định của Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục và Quyết định phân công quản lý địa bàn của đơn vị để biết mình xử phạt đối tượng vi phạm có thuộc địa bàn quản lý không nhé.
Còn như cái quy định này “phạm vi quản lý của Bộ Công Thương về an toàn thực phẩm và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn” thì rõ ràng có phức tạp, khó hiểu hơn 02 cách trên một tý nhé. Đó là ngoài yếu tố “chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn” thì chúng ta cần quan tâm đến yếu tố nữa đó là “phạm vi quản lý của Bộ Công Thương về an toàn thực phẩm”. Cái nội dung này chúng ta tìm hiểu ở đâu nhỉ? Vâng mời các bạn quay về đọc “Luật An toàn thực phẩm” nhé. Chúng ta đọc kỹ Chương X của Luật này, nhất là Điều 64 và đọc “Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm”, nhất là Điều 39 và Phụ lục IV của Nghị định này cũng như các nghị định, thông tư hướng dẫn có liên quan.
Hy vọng với một vài điều nhỏ bé ở trên sẽ góp phần giúp chúng ta có hướng nghiên cứu tốt hơn để từ đó nhận diện đúng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Quản lý thị trường trong các lĩnh vực. Đón đọc các bài viết tiếp theo của tác giả. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về mail haonv1@dms.gov.vn. Xin trân trọng cảm ơn!